Đăng ký nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi

Chúng tôi cam kết không gửi thư spam

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Tại sao phải bảo vệ thương hiệu

Với một nền kinh tế thị trường khá đa dạng thì người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội để chọn lựa cho mình những sản phẩm phù hợp nhất và theo họ là tốt nhất.

Điều đó cũng có nghĩa nhà sản xuất phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình.

Trên thực tế, có rất nhiều sản phẩm chưa chắc đã hơn hẳn các sản phẩm cùng chủng loại khác nhưng lại được người tiêu dùng tin cậy chỉ vì thói quen hoặc vì lý do rất cảm tính: thích. Việc đi tìm sự khác biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng luôn là yếu tố được các nhà sản xuất đặt lên hàng đầu.
Do đó, bên cạnh việc làm cho tính năng các sản phẩm phong phú hơn như hương vị (của từng loại mì gói), tính chất (các loại sữa), công dụng (các loại mỹ phẩm) thì các nhà sản xuất cũng phải khai thác đến thói quen của người tiêu dùng.
Có nghĩa là muốn xây dựng được một thương hiệu, điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng được một bản sắc riêng để thỏa mãn đúng một góc cạnh nào đó của tâm lý người tiêu dùng.
Tuy nhiên, với những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đời sống con người và có sự cạnh tranh khắc nghiệt cũng có nghĩa là tính rủi ro rất cao và việc bảo vệ thương hiệu càng khó khăn hơn. Đã có một so sánh: giữa hàng chục loại thép xây dựng khác nhau thì sự vượt trội của sản phẩm này so với sản phẩm khác (nếu có) cũng rất khó tác động đến tâm lý người tiêu dùng nhanh như các sản phẩm về thực phẩm.
Chỉ một dòng in sai tỉ lệ hoạt chất trên bao bì đủ làm điêu đứng một loại sữa tên tuổi. Một chút kết tủa đáng ngờ trong một chai nước có thể làm sập một thương hiệu. Trong khi đó, điều mà chỉ có nhà sản xuất mới biết là trước khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm đã phải trải qua hàng chục khâu từ vận chuyển, nhà phân phối đến các điểm bán lẻ và đồng nghĩa với nó là tính chất rủi ro cũng cao hơn.
Có rất nhiều nhà sản xuất chọn giải pháp quảng cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá và bảo vệ thương hiệu của mình. Tuy nhiên, giải pháp này thật sự “quá sức” với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chi phí quá cao.
Giải quyết bài toán này ra sao? Kinh nghiệm của một chủ doanh nghiệp dầu nhớt trong nước thì “bí quyết” vẫn là “lấy công làm lời”. Có nghĩa là phải chịu khó tìm thị trường mới xa các trung tâm và quảng bá đến người tiêu dùng theo cách… truyền miệng. Thậm chí phải xây dựng lại đối tượng người tiêu dùng một khi các đại gia về dầu nhớt khác nhắm đến số lượng người tiêu thụ khổng lồ là xe máy, xe hơi… thì nhà doanh nghiệp này lại đưa sản phẩm của mình nhắm đến người tiêu dùng nông thôn sử dụng các loại máy nông nghiệp, ngư nghiệp…
Công khai và thân thiện cũng là một giải pháp được các doanh nghiệp trong nước lựa chọn để bảo vệ thương hiệu của mình thông qua các hoạt động xã hội (tài trợ, từ thiện, hay hội chợ…).
Theo thống kê, hiện có tới 90% hàng Việt vào thị trường thế giới phải qua trung gian, dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài hầu như chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Một ví dụ tiêu biểu, Việt Nam là nước nổi tiếng về cây chè, chè xuất khẩu sang thị trường các nước rất nhiều, tuy nhiên thế giới chẳng ai biết họ đang dùng chè của Việt Nam bởi chúng ta phần lớn đều xuất khẩu sản phẩm thô.
Hầu hết các DN của nước ta hiện nay đều chưa nhận thức đúng về vấn đề thương hiệu và sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm. Trong một cuộc khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, chỉ có 4,2% DN cho rằng thương hiệu là vũ khí trong cạnh tranh; 5,4% cho rằng thương hiệu là tài sản của DN và 30% DN cho rằng thương hiệu sẽ giúp bán hàng được giá cao hơn và đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng

Bên cạnh đó, do phần lớn các DN Việt Nam hiện nay mới chỉ quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước, mà chưa chú ý tới đăng ký ở nước ngoài. Vì vậy, không ít thương hiệu lớn của các DN Việt đã bị các công ty của nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như: Cà phê Đăk Lăk năm 1997, kẹo dừa Bến Tre năm 1998, Vifon năm 2001, thuốc lá Vinataba và Petro năm 2002… Vụ gần nhất trong năm 2011 là cà phê Buôn Ma Thuột và nước mắm Phú Quốc. Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Ở Quảng Ninh có rất nhiều sản phẩm đặc sản có thể đưa lên thành thương hiệu và xuất khẩu rộng ra thị trường nước ngoài nhưng việc bảo hộ thương hiệu thì quá ít”. Ông cũng nhận xét: “Tính cộng đồng của các ban ngành, doanh nghiệp Việt Nam là rất yếu, mạnh ai người nấy làm, hầu như chưa có sự hợp tác”.
Chính vì vậy, việc bảo vệ thương hiệu không chỉ là riêng của DN, mà còn là vấn đề kinh tế, vấn đề hình ảnh của cả một quốc gia. Các doanh nghiệp cần chú trọng và đầu tư hơn nữa cho vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN mình. Hiện nay, những thương hiệu của Việt Nam ở nước ngoài đạt tới độ nhắc tới Việt Nam là khách hàng nghĩ ngay tới sản phẩm đó và ngược lại còn quá ít.
Bên cạnh đó việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nhằm 5 mục đích cơ bản sau:
- Khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào trong nước, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư luôn lưu ý đến vấn đề bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo hộ thương hiệu hàng hoá – “Tài sản vô hình” quan trọng của họ, nhất là đối với công ty đa quốc gia. Nếu một nước kêu gọi đầu tư có một hệ thống pháp lý chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch trong việc bảo hộ thương hiệu, sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư hay chuyển giao công nghệ cho một quốc gia.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chủ sở hữu thương hiệu hàng hoá
Để  có  một  thương  hiệu  được  người  tiêu  dùng  tin  tưởng,  khắc  sâu  vào  tâm  trí  khách hàng, doanh nghiệp phải tốn thời gian công sức và tiền bạc vào việc thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng cáo, quảng bá thương hiệu…Thương hiệu mạnh là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.
- Bảo hộ lợi ích quốc gia
Đối với hàng hoá xuất khẩu, nếu mặt hàng này chưa được đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hoá tại nước sở tại, sẽ không thể chống lại nạn làm hàng giả, hàng nhái, khiến ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà xuất khẩu, hoặc có thể mất uy tín do hàng bị làm giả…. Trong các năm qua, nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài được ưa chuộng nhưng do chủ sở hữu thương hiệu hàng hoá chưa hiểu biết luật pháp nên đã không đăng ký bảo hộ thương hiệu. Hậu quả là thương hiệu đã bị các nhà sản xuất ở nước nhập khẩu lợi dụng, bắt chước chế tạo, dẫn đến việc mất thị trường xuất khẩu
- Thúc đẩy sáng tạo, đổi mới kỹ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh
Bảo hộ thương hiệu hàng hoá có tác dụng thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới kỹ thuật sản xuất, kích thích cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các thương hiệu, chứ không nhằm lợi dụng thương hiệu của doanh nghiệp khác để tiêu thụ hàng hoá của mình.
- Góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng
Giúp người tiêu thụ mua đúng thương hiệu đáng tin cậy, chống lại tệ nạn làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Qua thương hiệu, người tiêu dùng biết được các thông tin cần thiết về hàng hoá mình lựa chọn như: xuất xứ, công dụng, tên nhà sản xuất… để có quyết định mua hàng đúng đắn.

Vui lòng chia sẽ tin này nếu bạn thấy hữu ích
SOCIALIZE IT →
Tham gia →
Chia sẽ →

0 nhận xét:

Đăng nhận xét